(TSVN) – Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng đã giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái, gây ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người nuôi tôm mặc dù tôm được mùa. Sitto Việt Nam chia sẻ giải pháp duy trì lợi nhuận trong thời điểm khủng hoảng (giá tôm lao dốc) bằng phương pháp kiểm soát và giảm chi phí nuôi tôm thông qua việc lên dự toán vụ nuôi.

Phương pháp lập dự toán vụ nuôi 

Đây là phần cực kỳ quan trọng trong kế hoạch nuôi tôm của bà con, việc xây dựng bảng kế hoạch trước sẽ giúp bà con có bức tranh tổng quát trước khi quyết định nuôi, ngừng nuôi hoặc nuôi về size nào sẽ có lợi hơn. Các mục của dự toán bao gồm: Nguồn vốn, loại tôm nuôi (tôm thẻ chân trắng hay tôm sú), mật độ thả nuôi – tỷ lệ sống, thời gian nuôi và sản lượng thu hoạch (theo từng khoản size tôm), chi phí nuôi (đầu tư ao nuôi, con giống, thức ăn, thuốc – hóa chất xử lý, điện nước, nhân công…), giá bán ước tính (nên tạm tính theo giá thấp nhất). Qua đó, chúng ta ước định được nuôi sẽ lãi hay lỗ, nuôi về size nào có lãi hơn… 

Giải pháp duy trì lợi nhuận trong thời điểm khủng hoảng giá tôm?
Giải pháp duy trì lợi nhuận trong thời điểm khủng hoảng giá tôm?
Giải pháp duy trì lợi nhuận trong thời điểm khủng hoảng giá tôm?

Về nguồn vốn 

Bà con tổng hợp nguồn vốn hiện có của mình sau đó sẽ hoạch định kế hoạch sử dụng như thế nào là tốt nhất. Nếu không đủ vốn thì bà con sẽ tiết giảm các chi phí liên quan để vận hành như: Chi phí thức ăn, thuốc – hóa chất xử lý, nhân công, điện nước chạy quạt, chạy ôxy… Bà con lưu ý, việc mua hàng hóa bằng tiền mặt thì sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể so với mua nợ. 

Chọn giống tốt 

Việc chọn giống đóng vai trò rất quan trọng bởi vì giống tôm tốt, tôm khỏe mạnh đề kháng cao sẽ giảm bệnh tật, giảm hao hụt, từ đó giảm được chi phí thuốc – hóa chất xử lý đi kèm, tôm giống tốt sẽ lớn nhanh, giúp rút ngắn thời gian nuôi, đạt năng suất cao. 

Mật độ thả nuôi phù hợp 

Căn cứ vào bảng dự toán, nguồn vốn bà con có thể điều chỉnh mật độ thả nuôi (có thể là nuôi dày, nuôi thưa). Ngoài việc điều chỉnh mật độ thả nuôi phù hợp, bà con còn có thể giảm thiểu được chi phí, giúp môi trường ao nuôi ổn định hơn, ít ô nhiễm, ít biến động, dễ quản lý, tôm mau lớn, ít bệnh tật. 

Xác định lợi nhuận có thể đạt được, tránh lãng phí 

Sau khi xác định nguồn vốn sẵn có và kế hoạch nuôi tôm, bạn cần xác định lợi nhuận có thể đạt được sau mùa vụ bằng cách lấy giá bán ra trừ đi chi phí. Lưu ý: Bà con nên thường xuyên theo dõi thông tin thị trường, về giá tôm lấy trường hợp giá bán ra tại thời điểm xấu nhất, để đề phòng rủi ro và chỉ nuôi tôm theo khả năng hiện tại. 

Quản lý và thay đổi thức ăn, cách cho ăn 

Thức ăn chiếm 50 – 60% chi phí nuôi tôm, trong đó 1/5 lượng thức ăn sau khi sử dụng không được tôm hấp thụ mà còn làm ô nhiễm nước và đáy ao. Do đó, bà con có thể giảm lượng thức ăn trong ngày còn 70 – 80% so với công thức tính lý thuyết cũng như không cho ăn đều mà cho ăn theo nguyên tắc khi nhiều, khi ít. 

– Cho tôm ăn nhiều hơn vào những thời điểm tôm có thể ăn nhiều như: Sáng sớm hoặc chiều tối; 

– Giảm thức ăn vào những buổi tôm ăn ít như trưa nắng gắt hoặc tối khuya;

– Giảm lượng thức ăn khi tôm lột xác, thời tiết biến động, môi trường ao nuôi có sự thay đổi đột ngột; 

– Tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên, đặc biệt khi tôm còn nhỏ; 

– Chọn nguồn thức ăn tốt để tôm tăng sức khỏe, tăng trưởng, hạn chế ô nhiễm, hạn chế bệnh, hóa chất xử lý; 

– Tìm nguồn cung ứng thức ăn uy tín, có giá thành hợp lý. 

Quản lý và thay đổi cách sử dụng thuốc – hóa chất xử lý 

Chi phí này chiếm từ 20 – 30% chi phí nuôi tôm. Bà con cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe của tôm và môi trường ao nuôi để phòng và xử lý kịp thời. 

– Sử dụng thuốc – hóa chất xử lý đúng lúc, đúng loại, đúng liều lượng; 

– Phát hiện ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; 

– Tìm nguồn cung ứng vật tư, thuốc – hóa chất xử lý uy tín, có giá thành hợp lý. 

PHÒNG KỸ THUẬT CÔNG TY TNHH SITTO VIỆT NAM